TẦM QUAN TRỌNG CỦA pH TRONG MÔI TRƯỜNG AO NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

  • Thứ tư, 04/03/2020, 14:01 GMT+7
  • Lượt xem: 11638

pH trong ao nuôi tôm một chỉ số tưởng chừng dựa trên hệ số kinh nghiệm là có thể nhận biết bằng hệ số kinh nghiệm và cảm quan theo từng vùng nuôi khác nhau. Nhưng với những phát triển vượt bậc của ngành tôm hiện nay các chỉ tiêu chất lượng nước càng được quan tâm và đo đạc kỹ càng hơn. Chúng ta đều biết ngưỡng pH trong ao thích hợp cho tôm từ 7,5 – 8,5, dao động hằng ngày không quá 0,5 đơn vị.

Quan điểm này phải chăng đã trở nên lỗi thời ??? Vì hiện nay xu hướng những mô hình thâm canh nuôi thành công thường có chỉ tiêu pH nằm trong ngưỡng 7,6 – 8,1 và kiểm soát dao động nghiêm ngặt trong ngày không quá 0,3 đơn vị.

Khái niệm pH

pH là chỉ tiêu đo độ hoạt động của ion hydro trong nước (H+) hay thể hiện tính axit hay bazơ của nước.

Công thức: pH = -log10[H+]

Ảnh hưởng của pH đối với hệ sinh thái ao nuôi và sức khỏe tôm

Đối với hệ sinh thái:

  • Khi pH quá cao thường sẽ làm trong nước, khó gây màu và thủy sinh vật đáy phát triển và tạo ra biến động pH trong ngày rất lớn. Nguồn nước này không phù hợp cho nuôi tôm, cần có biện pháp tổng thể để xử lý.
  • Đối với ao bạt pH nước cao còn làm kết tủa các hợp chất khác gây ra cáu cợn, bùn nổi làm sức khỏe tôm bị yếu đi.
  • pH quá thấp cũng ảnh hưởng đến tảo và vi sinh vật trong nước. Ngoài ra pH còn thấp do nước bị nhiễm phèn, sụp tảo và trong quá trình phân hủy vật chất hữu cơ trong nước.
  • Tảo quang hợp và phát triển mạnh gây ra dao động pH điều này cho thấy môi trường bị phú dưỡng và thành phần loài của tảo thay đổi theo chiều hướng không tốt (ví dụ: ao bị tảo lam thường có pH rất cao).

Đối với sức khỏe tôm:

  • Khi pH vượt ngưỡng có ảnh hưởng bất lợi trên tôm như làm tôm chậm lột, suy giảm miễn dịch, stress.
  • Mất cân bằng áp suất thẩm thấu.
  • Suy giảm khả năng trao đổi khí ở mang.
  • Làm chậm hoặc không liên tục quá trình trao đổi chất.
  • Làm biến đổi độc tính của những chất khác trong nước, đặc biệt là các loại khí độc NH3, NO2, H2S,…
  • Thiệt hại kinh tế đáng kể là do tăng trưởng chậm, chu kỳ sản xuất kéo dài, FCR tăng cao, tăng tỷ lệ mắc các bệnh do vi khuẩn đặc biệt và Vibrio spp.

 

hinh
 

Các nguyên nhân làm tăng hoặc giảm pH trong nước

  • CO2 phản ứng với môi trường nước đây là nguyên nhân chính gây nên tăng giảm pH trong nước
  • Phản ứng nitrat hóa NH4+/NH3 của vi khuẩn và oxy làm giảm kiềm trong nước, ảnh hưởng đến pH.
  • Thực vật phù du quang hợp trên nguyên tắc lấy CO2 vào ban ngày và nhả trở lại CO2 vào ban đêm làm pH dao động trong ngày lớn.
  • Vùng đất phèn => pH thấp, dễ biến động là do trong quá trình oxy hóa pyrit thành jarosit tạo ra rất nhiều H+ làm giảm pH của nước. Trong nước giếng ngầm cũng vậy, ngoài ra còn có thêm hàm lượng CO2 và kim loại nặng khác rất cao thường làm pH bị giảm thấp.
  • Sụp tảo, mưa nhiều, rửa trôi phèn vào ao nuôi cũng làm giảm pH.
  • Phụ thuộc vào độ kiềm của ao nuôi, độ kiềm trong nước ao cao sẽ làm giảm tương tác hình thành CO2 từ bicarbonate (HCO3-) giúp cho nước giữ được pH tốt hơn và ngược lại.

Một số phương pháp khắc phục pH thấp và cao trong thực tế

Khi pH thấp:

  • Trên thực tế hiện nay người ta thường dùng các loại vôi để cải thiện pH thấp và đôi khi sử dụng phân lân đối với những vùng nuôi bị phèn tiềm tàng.
  • Cần lưu ý vôi Canxi, Dolomite giúp ổn định pH, hệ đệm của nước tốt nhưng độ hòa tan thường kém và bị giới hạn độ tan khi pH > 8,3.
  • Vôi nóng và vôi tôi thường làm tăng pH tốt hơn bởi khả năng khử CO2 trong nước tốt hơn. Nhưng cũng không nên ứng dụng liều lượng quá cao làm pH tăng đột ngột gây ảnh hưởng không tốt cho tôm.

Khi pH cao:

  • Một cách làm giảm pH trong nước nhanh là cung cấp vào nước nguồn H+ (ví dụ: acid citric).
  • Làm giảm pH bằng ứng dụng dùng mật đường, bột gạo kết hợp với sục khí vi sinh cũng là một giải pháp hiệu quả.
  • Và 1 phần trong biến động pH còn do độ kiềm trong nước thấp. Do vậy khi mật độ tảo quá cao cần ưu tiên cho việc thay nước và nâng độ kiềm luôn ở mức > 120 mg/lít.

Ổn định pH trong nguồn nước ao nuôi thông qua những tiêu chí sau

BIEU_DO_pH-02

Gây màu, giữ màu và kiểm soát tảo:

  • Gây màu là việc làm cần phải được làm ngay sau khi vệ sinh đáy ao và diệt tạp trong nước, giai đoạn này thường pH sẽ cao do một phần vôi chưa được hoạt hóa hết, hàm lượng CO2 sinh ra từ sự hô hấp của tảo và vi sinh vật có sẵn chưa đủ để cân đối pH trong nước. Nếu việc gây màu không được thực hiện sớm thường làm cho nước bị trong, thực vật bậc cao chiếm ưu thế làm biến động pH lớn và mất dần độ kiềm cần thiết cho tôm (kiềm bicarbonate: HCO3-).
  • Giữ màu đồng nghĩa với việc luôn cung cấp dinh dưỡng trong môi trường nước một cách một cách hợp lý và cần cân đối tỉ lệ N:P.
  • Kiểm soát tảo, cung cấp thức ăn trong quá trình nuôi là nguồn chính làm cho tảo phát triển mạnh và phát triển rất mạnh khi quá trình xử lý chậm hơn quá trình cung cấp dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này gây ra những hệ lụy không tốt cho ao nuôi và sức khỏe tôm (tảo lam, tảo giáp, tảo mắt, ô nhiễm nước và gây bệnh cho tôm). Trên thực tế xử lý giảm tảo có nhiều phương pháp (sử dụng vi sinh ban đêm, vôi CaO, hóa chất, thay nước hoặc kết hợp cả nhiều phương pháp cùng lúc tùy vào kinh nghiệm của mỗi người). Cần lưu ý rằng kiểm soát tảo là quá trình vận hành, chăm sóc, quản lý môi trường một cách hợp lý.

Ổn định độ kiềm từ 120 – 160 mg/l:

biYn_Yong_pH_1-01

 

 

  • Trong quá trình nuôi độ kiềm thường nằm trong ngưỡng thấp nên ổn định độ kiềm trong ao chủ yếu là các phương pháp làm tăng kiềm trong nước. Có nhiều hoạt chất sử dụng để tăng kiềm: các loại vôi, sô đa, alkaline, khoáng, vv…
  • Quá trình tăng kiềm cần lưu ý ngưỡng pH không cao >8,3 (giới hạn hòa tan của vôi), tạo hệ hô hấp đủ lớn để có nguồn CO2 trong phản ứng làm tăng kiềm (hệ hô hấp ban đầu trong ao thường đến từ vi sinh vật và tảo trong ao), thời điểm ứng dụng làm tăng kiềm tốt nhất là đêm khuya lúc pH ở mức thấp nhất.

Trần Công Việt – Cty Thần Vương

Ý kiến bạn đọc