BỆNH NẤM TRẮNG Ở CÁ BIỂN, CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH

  • Thứ ba, 25/03/2025, 08:40 GMT+7
  • Lượt xem: 108

Không ít mỗi người chơi cá cảnh biển hay nuôi cá biển ai cũng đã ít nhất một lần phải đối mặt với bệnh nấm trắng trong hồ cá, bể cá. Đây là căn bệnh phổ biến, khó trị dứt điểm nhất và gây ra stress cho cá biển nhiều nhất.

Tác nhân gây bệnh gồm:

  • Trùng lông (trùng quả dưa nước mặn - Marine Ich) - Cryptocaryon irritans
  • Trùng lệch miệng – Brooklynella
  • Trùng bánh xe - Trichodina jadranica
43bfeef3-fcb5-4f11-b360-4878c68c0bf0

I. Các dấu hiệu của bệnh

  • Cá bị bệnh thường tập trung thành đám và nổi trên mặt nước, cá có biểu hiện ngứa ngáy và hay nghiêng mình.
  • Quan sát trên da cá thường có đám màu trắng nhạt, trên mang cá xuất hiện các đốm trắng nhỏ li ti. Cá bị nặng toàn thân chuyển sang màu mốc bạc, tách đàn và chết. Bệnh gây chết rải rác đến hàng loạt sau 3 - 7 ngày.
  • Xuất hiện các đốm trắng như hạt cát (đó chính là Cryptocaryon bắt đầu bám vào cá).
  • Picture1
  • Cá có biển hiện cọ mình vào đá, cát… (cá khó chịu khi có Cryptocaryon).
  • Cá hô hấp nhanh (Cryptocaryon tấn công vào mang). Tăng lớp nhờn bao quanh (Hệ miễn dịch của cá tiết ra để phản kháng lại Cryptocaryon).
  • Cá mất màu, mất họa tiết trên da (Cryptocaryon bám vào cá tấn công).
  • Vây cá bị sờn (tưa, mòn) (Cryptocaryon tấn công vào vây).
  • Mắt cá đục (Cryptocaryon tấn công vào mắt).

Mỗi triệu chứng xuất hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau. Sự xuất hiện càng nhiều của các triệu chứng cùng 1 lúc biểu hiện mức độ nghiêm trọng của bệnh và số lượng Cryptocaryon sinh sôi trong hồ, bể.

II. Quá trình phát triển bệnh – Vòng đời của Cryptocaryon

Vòng đời của Cryptocaryon bao gồm 4 giai đoạn như hình sau:

dcbabd4a583f34e9-1024x681

Giai đoạn 1 – kí sinh: Ở giai đoạn này, kí sinh trùng bám trong mang cá và được gọi là Trophont. Nói cách khác là cá đang bị kí sinh trùng tấn công ở mang. Trophont sẽ sống và được nuôi dưỡng từ cá từ 3-9 ngày. Sau đó Trophont sẽ rời cá và được gọi là Protomont.

Giai đoạn 2 – tách rời: Ở giai đoạn này Trophont rời cá và được gọi là Protomont. Protomont sẽ di chuyển đến bề mặt đáy và bắt đầu bò tản ra xung quanh trong khoảng từ 2-18 tiếng. Một khi Protomont bám vào 1 bề mặt thích hợp nào đó, Protomont bắt đầu phá lớp màng bao bọc và được gọi là Tomont.

Giai đoạn 3 – sản sinh: Ở giai đoạn này, sau khi Protomont phá lớp màng và trở thành Tomont. Bên trong Tomont quá trình sản sinh diễn ra và nhân lên thành hàng trăm kí sinh trùng con và được gọi là Tomites. Tomites nằm trong vỏ bọc và chờ cơ hội. Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 72 ngày. Sau quá trình này, Tomites nở trở thành Theronts và bắt đầu bơi đi tìm vật chủ tiếp theo. Đây là giai đoạn mà nhiều người lầm tưởng nhất rằng họ đã loại bỏ hoàn toàn được nấm trắng trong hồ cá.

Gian đoạn 4 – nhiễm bệnh: Đây là giai đọan khi Tomites nở ra thành Theronts và ở giai đoạn này Theronts phải tìm được vật chủ tiếp theo trong vòng 48 giờ nếu ko sẽ chết. Theronts tập trung bám vào da và mang cá rồi sau đó biến đổi thành Trophonts và lại bắt đầu quy trình từ giai đoạn 1.

III. Nguyên nhân gây bệnh

1 – Cá bị stress nhiều trong quá trình nuôi.
2 – Không xử lý ký sinh trùng định kỳ trong quá trình nuôi.
3 – Môi trường nước ao dơ, nhiều Cryptocaryon, ký sinh trùng khác phát triển.

4 – Không định kỳ xổ nội ký sinh trùng cho cá thường xuyên.

IV. Cách điều trị

1 – Hyposalinity: phương pháp giảm độ mặn (chỉ áp dụng được trên hồ, bể nuôi, khó áp dụng cho nuôi lồng bè).
2 – Copper treatment: các loại thuốc có thành phần chứa đồng trong đó. Có thể tắm, treo túi xung quanh bè hay pha loãng với nước tạt đều khắp hồ, bể, lồng bè.
3 – Transfer method: cá được chuyển tới môi trường nuôi khác (đổi môi trường mới) đã được cải tạo, xử lý an toàn, thì việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn (đây là phương pháp khả thi nhất).

Hệ thống miễn dịch:
Trong các trường hợp không thể thay đổi môi trường sống khác cho cá, thì cách duy nhất còn lại và cũng chỉ là trong hi vọng với 50-50 cơ hội. Đó là để cho cá tự động kháng với Marine Ich. Đối với những cá thể yếu hoặc cá yếu thì cơ hội sống là rất mỏng manh, nhưng nếu có thể vượt qua hoàn toàn thì những con cá sống sót đã có hệ thống miễn dịch với Marine Ich. Tuy nhiên để có thể làm được điều này, sự hi sinh là rất lớn và đòi hỏi rất nhiều sự quan sát cẩn thận và quản lý chất lượng nước. Luôn luôn giữ nước ở chất lượng tốt nhất – cách hiệu quả nhất là thay nước thường xuyên, giữ nước ổn định tránh cho cá stress, cho ăn ít lại nhưng ăn chất lượng (bằng cách cấy vi sinh, bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất…) và hiệu quả. Thông thường nếu cá có sức đề kháng tốt, môi trường nước tốt… thì cá có khả năng chống chọi với bệnh khá tốt, chỉ cần cá chịu ăn thì khả năng sống sót và vượt qua khá cao.

Cứ giữ vững như vậy trong ít nhất 8 tuần kể từ lần cuối có xuất hiện dấu hiệu của Marine Ich thì coi như là thành công. Cái này rất khó vì chu kì của Marine Ich luôn quay vòng, chỉ cần có cá bị nhiễm mặc dù cá không chết nhưng Marine Ich lại quay vòng cho đến khi nào không thể quay vòng được nữa thì thôi. Sau mỗi lần quay vòng, với sự hỗ trợ của chất lượng nước tốt, cá sẽ dần dần trở nên miễn dịch và 1 khi Marine Ich không thể tấn công được con cá nào nữa trong hồ, bể thì sẽ tự động chết sau 48 giờ.

V. Phòng bệnh
Phòng bệnh nấm trắng là cách chữa bệnh tốt nhất. Phương pháp phòng bệnh chủ yếu xoay quanh 3 mục tiêu chính:

1 – Quản lý chất lượng môi trường nước tốt, ít Cryptocaryon và ký sinh trùng khác phát triển.

2 – Giảm thiểu tình trạng cá bị stress nhiều trong quá trình nuôi (bằng cách cấy vi sinh, bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho cá…).
3 – Xổ nội và xử lý ký sinh trùng định kỳ trong quá trình nuôi (tốt nhất là ở giai đoạn 2 và 3 vòng đời của ký sinh trùng).

VI. Kết Luận

Marine Ich có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi, có thể giết hàng loạt hoặc cứ đến rồi lại đi liên tục mặc dù không gây ra thiệt hại nào. Nó không phải về vấn đề bệnh tật, mà như là lời cảnh báo về vấn đề chất lượng nước và chất lượng sống của cá mà người nuôi cần phải xem xét lại. Chính vì thế mà căn bệnh này được coi như là vô tận và không có cách nào chữa trị triệt để. Ngay cả khi cá đã khỏe mạnh, nhưng nếu môi trường sống cũ không tốt thì cá vẫn sẽ dễ dàng bị lại.

Chính vì thế, thay vì tìm cách chữa trị, thì hãy học cách phòng ngừa 1 cách có khoa học (áp dụng hài hòa linh hoạt giữa hóa chất và sinh học) – cũng như cách chọn lọc cá, thả cá, dưỡng cá hợp lí./.

PKT CÔNG TY THẦN VƯƠNG

Ý kiến bạn đọc